Gia nhập Nội các Trương_Thông

Mùa đông năm ấy, Thông được bái làm Lễ bộ Thượng thư kiêm Văn Uyên các Đại học sĩ, tức là được gia nhập Nội các. Như vậy là Thông mới làm quan 6 năm đã bước vào cơ quan hạch tâm của chính quyền nhà Minh.

Bấy giờ Dương Nhất Thanh là Nội các Thủ phụ, Trạch Loan cũng là thành viên của Nội các, nhưng Gia Tĩnh Đế không gần gũi với họ bằng Thông, từng dụ rằng: “Trẫm có mật dụ thì không được tiết lộ, trẫm cùng khanh trao đổi thư riêng.” Thông nhân đó dẫn việc Minh Nhân Tông ban Ngân chương (lá thiếp bạc) cho bọn Dương Sĩ Kỳ, Gia Tĩnh Đế ban cho Thông 2 chương, trên đó viết rằng “trung lương trinh nhất” và “thằng khiên bật vi” [5], nhờ đó trở nên ngang hàng với bọn Dương Nhất Thanh.

Ban đầu Thông được bái làm Học sĩ, người của Hàn Lâm viện lấy làm sỉ nhục, không chịu đứng cùng ông, khiến Thông thâm hận. Đến khi Thị độc Uông Điền giảng thiên Hồng phạm trái ý, nên Gia Tĩnh Đế đẩy ông ta ra khỏi Hàn Lâm viện. Thông bèn xin từ Giảng – Độc trở xuống đều lượng tài bổ nhiệm chức vụ ở ngoài Hàn Lâm viện, có 22 người chịu đổi quan chức hoặc bãi truất, các Thứ cát sĩ đều trừ chức ở bộ hoặc làm Tri huyện, khiến Hàn Lâm viện trống rỗng.

Tháng giêng ÂL năm thứ 7 (1528), Gia Tĩnh Đế coi chầu, thấy Thông và Quế Ngạc đứng trong hàng, ở dưới Binh bộ Thượng thư Lý Thừa Huân, có ý không vui. Dương Nhất Thanh nhân đó xin gia Tán quan cho Thông, Ngạc, nên đế tự tay viết sắc, gia 2 người làm Thái tử Thái bảo. Thông lấy cớ chưa có Thái tử để từ chối, đế bèn gia làm Thiếu bảo kiêm Thái tử Thái bảo. Minh luân đại điển hoàn thành, Thông được tiến làm Thiếu phó kiêm Thái tử Thái phó, Lại bộ Thượng thư, Cẩn Thân điện Đại học sĩ. Dương Nhất Thanh trở lại làm Nội các Thủ phụ, phần nhiều là nhờ Thông, Ngạc, vì thế tỏ ra xuôi theo 2 người. Nhưng rốt cục Thông không thể ép Dương Nhất Thanh làm mọi việc theo ý mình, thành ra đôi bên trở mặt với nhau. Chỉ huy Niếp Năng Thiên hặc Thông, nên Thông muốn dồn ông ta vào chỗ chết, nhưng Dương Nhất Thanh coi nhẹ việc này, khiến ông càng hận, mắng Dương Nhất Thanh là gian nhân bỉ phu. Dương Nhất Thanh lần nữa dâng sơ xin lui, hàm ý chê trách Thông, Gia Tĩnh Đế tự tay viết sắc giữ lại, nhân đó nói thẳng với Thông rằng chớ khoe công lao, cậy sủng không nhường, khiến người than thở. Thông bất chợt bị đế chỉ ra khiếm khuyết, rất xấu hổ.